Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

TRÍ NHU VÀ SỰ NỐI KẾ THIỀN TRÚC LÂM YÊN TỬ

Sau khi nhị tổ Phổ Tuệ Pháp Loa thị tịch, Phật giáo Trúc Lâm truyền tông phái đến vị tổ thứ 2 là Huyền Quang. Việc truyền tông phái này được Tam Tổ thực lục, Thanh Mai Viên Thông tháp bi…. ghi lại rất chi tiết, mà về sau nhiều tài liệu Hán Nôm còn lưu.
Bài viết của chúng tôi là một cách tiếp cận Lịch sử Thiền tông Việt Nam trên các cứ liệu Hán Nôm còn lưu lại đến ngày nay nhằm tái hiện hình ảnh về vị Thiền sư Trí Nhu, người cung cấp một số thông tin hữu ích không chỉ nghiên cứu về Pháp Loa mà còn là Thiền tông Trúc Lâm thời Trần ở Đại Việt Đây cũng chính là một vấn đề trong nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam một nghìn năm đã qua, hướng tới kỉ niệm một nghìn năm Thăng Long lịch sử.
Sau khi Trúc Lâm Đại đầu đà Điều Ngự Trần Nhân Tông quy Tây, giáo đoàn tông phái giao hết vào tay Pháp Loa. Lại đến khi Pháp Loa thị tịch, đã truyền y bát lại cho Huyền Quang để y giáo phụng hành. Đệ tử của Pháp Loa có hơn 30 người, từ vua chúa đến công hầu. Ngoài ra, sự phát triển pháp phái cũng khắp trong triều ngoài dã. Trúc Lâm thiền phái phát triển đến tận Thanh Hóa, Nghệ An. Trí Nhu khi ấy là đệ tử của Pháp Loa, trụ xứ ở Trường An. Thời Trần, đất Trường An còn thuộc vào Ái Châu (Thanh Hóa). Thực chất ở đất Thanh Hóa thời Trần không chỉ mình Trí Nhu mà còn có cả Thiền sư tên là Hành. Văn bản Thanh Mai Viên thông tháp bi cũng như Tam tổ thực lục cho biết đệ tử tham học đắc pháp của Pháp Loa có “Ái Châu là Hành”.
Về Trí Nhu, đến nay các tư liệu ghi lại không nhiều. Trong mấy chục “đệ tử đắc pháp” của Pháp Loa, đến nay chỉ có mình Trí Nhu có lai lịch đuợc ghi lại nhiều nhất trong hệ thống tư liệu Hán Nôm và có ý nghĩa đặc biệt với sự phát triển của xã hội tông giáo. Chúng tôi trước hết căn cứ vào tấm bia ma nhai do Hoàng Văn Giáp ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã sưu tầm vào năm 1985 là Hiển Diệu tháp bi chùa Kim Cương núi Long Tiên, ngày nay thuộc thôn Áng Sơn xã Ninh Hòa huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình để tiến hành từng bước giới thiệu về Thiền sư Trí Nhu. Về tấm bia, đây là văn bản rất có giá trị về lịch sử và sự phát triển của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần không chỉ ở đất Trường An. Văn bia cho biết, nhà sư người Hoàng châu đất phủ Trường An, họ Phạm, xuất gia có hiệu là Trí Nhu. Khi còn tuổi nhược quan, Trí Nhu đã đi vào núi theo học Đệ nhị tổ Pháp Loa tôn giả. Pháp Loa thấy là người có đức hạnh nên lấy pháp khí mà ban cho rồi mệnh cho đến Ngũ Mai đường ở chùa Quỳnh Lâm để trông giữ xá lị Phật Thích Ca. Thông tin văn bia cho biết bấy giờ Đại Việt có xá lị Phật, nhưng không nói rõ như thế nào. Chỉ biết Trí Nhu phụng mệnh Pháp Loa canh giữ. Đến khi Tôn giả Pháp Loa sắp viên tịch, mới gọi Trí Nhu mà nói phó chúc rằng: “ta muốn tạo tháp để phong giữ xá lị mà còn chưa thực hiện được, ngươi nên tác thành việc đó”. Trí Nhu là đệ tử đắc pháp của Pháp Loa. Sau đó, xá lị Phật có ở Đại Việt thời Trần đã được đưa vào am Chân Thường trên núi Hồ Thiên (Quảng Ninh) đưới sự bảo trợ của nhà Vua Trần Minh Tông. Trí Nhu lại mua bia đá và lập danh sách các đệ tử đắc pháp mà việc này được lưu lại rất rõ trong bia Thanh Mai Viên Thông tháp bi cũng như Hiển Diệu tháp bi và phần nào nói trong Tam Tổ thực lục. Văn bia tháp Viên Thông cho biết “Đắc pháp đệ tử là Trí Nhu, trụ trì chùa Thúy Sơn xuất tiền mua bia đá”. Sau khi Pháp Loa viên tịch, Trí Như cũng đi về nam, đi qua Phúc Thành (Trường An), lên núi Sơn Thủy rồi xây dựng lại tháp (Linh Tế) trong sáu năm.
Hiển Diệu tháp bi cho biết: Trí Nhu du lãm sơn xuyên đến vùng núi Tiên Long gặp khu đất rộng trăm mẫu, hướng dựa vào núi, là đất chùa tháp thờ Phật từ thời Lý, nên rất thuận lợi cho việc xây dựng một tòa phạn vũ mới. Sau đó, được đàn na tín thí, công hầu vương tử góp tài lực mà chùa hoàn thiện, đặt tên Kim cương tự (chùa Kim Cương). Tháp chùa chưa hoàn thiện, nên từng bước xây dựng rồi sau thỉnh xin nhà vua đồng ý cho chuyển xá lị ở am Chân Thường trên núi Hồ Thiên về án tàng trong tháp. Công việc hoàn thành, cũng là thành tựu viên mãn. Ngày 3 tháng 1 năm Nhâm Dần (1362), Trí Nhu quy tây, các đệ tử như Đức Chính mới cung thỉnh nhà vua đến cúng lễ. Vua Minh Tông ban hiệu cho Trí Nhu là Chiêu Tín thượng nhân, Thích hiệu là Thích Ẩn Ngu thiền nhân. Đệ tử Đức Tố đến xin Đãi Ngu viết văn bia và hoàn thành bia tháp vào ngày 18 tháng 2 năm Đinh Mùi niên hiệu Đại Trị thứ 10 (1367).
Về đệ tử của Trí Nhu: trong Hiển Diệu tháp bi cho biết đệ tử là Đức Chính và Đức Tố. Chúng tôi đặt vấn đề đệ tử của Trí Nhu đều có chữ Đức đặt tên. Trương Hán Siêu trong bia tháp Linh tế cũng cung cấp thêm một số đệ tử hàng chữ Đức. Từ đó, chúng tôi tạm quy kết các đệ tử của Trí Nhu gồm những người có tên sau: Đức Chính, Đức Tố, Đức Văn, Đức Tịnh, Đức Minh và không rõ lai lịch các vị.
Hiện cả 3 văn bia là Thanh Mai Viên Thông tháp bi, Hiển Diệu tháp bi, Dục Thúy Sơn Linh Tế tháp kí đều có niên đại trong giai đoạn Trí Nhu còn tại thế và thị tịch cuối thời Trần niên hiệu Đại Trị. Cả ba tấm bia này đều gắn liền với cuộc đời của Trí Nhu thiền sư. Bia chùa Viên Thông chỉ ghi lại việc ông mua bia đá và dựng tháp cho Pháp Loa, còn lại 2 tấm bia hiện ở Ninh Bình là Hiển Diệu tháp bi và Dục Thúy Sơn Linh Tế tháp kí đều ghi chép lại công quả cũng như sự nghiệp hoằng dương đạo pháp, phát triển Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt của Trí Nhu thiền sư. Đặc biệt, Trương Hán Siêu trong Dục Thúy Sơn Linh Tế tháp kí đã hết lời ca ngợi Trí Nhu khi Thiền sư xây dựng lại tháp Linh Tế trong thời gian hơn sáu năm. Trương Hán Siêu cho biết khi Trí Nhu về xây dựng tháp Linh Tế cao bốn tầng vào mùa đông năm Khai hựu thứ 6 tức năm Đinh Sửu (1337) sau sáu năm thì hoàn thành (1343). Trong bia, Trương Hán Siêu viết: “thầy là học trò đức Phật, hiểu sâu phép Trúc Lâm, tu thân khổ hạnh, tinh thông được tam tu, giơ hai bàn tay không mà làm nên việc lớn, …..việc như vậy, há đâu bọn sư sãi tầm thường kia có thể sánh được! than ôi! Sau mấy trăm năm nữa, chốc lát cảnh tượng biến diệt, khiến ta cảm khái, chẳng nhẽ lại không có được vài người như vị sư Trí Nhu này hay sao!” (theo bản dịch của Nguyễn Đức Vân) đã thể hiện sư ca ngợi con người và công quả của Thiền sư với thiền phái Trúc Lâm, với truyền thống Phật giáo Đại Việt, và cả với sau mấy trăm năm sau….những dư âm còn lại đến ngày nay. Lại như Minh Tông trong Hiển Diệu tháp bi cũng ca ngợi sư trong bài minh rằng: “Đạo học hiền hạnh hề nghiêm khiết”….
Tạm kết.
Bài viết của chúng tôi, bước đầu đưa ra những thông tin về thân thế và sự nghiệp của một thiền sư thời Trần, một trong những người kế nối sự nghiệp phát triển đạo pháp dân tộc sau Tam tổ Trúc Lâm: Trí Nhu thiền sư. Trí Nhu Thiền sư là một trong những đệ tử đắc pháp của Pháp Loa. Công quả của ngài có ý nghĩa trong sự phát triển của văn học, tông giáo nghệ thuật Phật giáo Đại Việt. Nghìn năm đã qua và những nghiên cứu về xã hội tông giáo Việt Nam còn nhiều bỏ ngỏ, bài viết là một sự truy cứu về nguồn trong không gian văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Thiền Phong
Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Tài liệu tham khảo:
Tổng tập văn học Việt Nam, tập 02, nxb KHXH – Hà Nội – 1997
Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, triều Trần, tập 2, Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Trung Chính Đại học Văn học viện xuất bản.
Tam tổ thực lục – bản chữ Hán - lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Thánh đăng ngữ lục – bản chữ Hán – lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chữ Nôm và sự nghiệp “Việt hóa” Phật giáo

Chữ Nôm và sự nghiệp “Việt hóa” Phật giáo Thiền Phong Viện Nghiên cứu Hán Nôm Là một trong hai chữ viết chính của thời đại phong kiế...